Thử thách trên mạng xã hội và những hậu quả khó lường
Những ngày gần đây các cha mẹ lại được một phen hốt hoảng khi có một bé trai 8 tuổi tử vong trong nhà vệ sinh, cơ quan công an huyện Trảng Bom (Đồng Nai) thông tin về vụ việc xảy ra tại xã Bình Minh.
Cụ thể, tối ngày 21-11, cháu L. vào nhà vệ sinh để đi tắm, rất lâu sau, mẹ L. không thấy con trả lời, dự tính có điều không hay nên người mẹ nhờ người phá cửa nhà vệ sinh thi thấy cháu L. treo lơ lửng ở sát tường. Cổ áo cháu đang mặc trên người thì móc trên móc treo quần áo của nhà vệ sinh. Khi đưa ra ngoài và đi cấp cứu cháu đã ngưng thở.
Theo cơ quan chức năng điều tra thì nghi vấn ban đầu cháu L. tử vong với tình trạng như trên có thể do học theo “thử thách Momo” trên mạng xã hội.
Tương tự với những hành động này năm 2017, hiện tượng “Cá voi xanh”, làm 130 thanh niên Nga thiệt mạng vì làm theo các thử thách của trò chơi, năm 2018 thử thách này được chuyển sang hình thức mới là “Thử thách Momo”.
Trong thử thách này nhân vật Momo là một phụ nữ đầu người thân gà có mái tóc đen, làn da nhợt nhạt, mắt lồi như zombie sẽ có những lời nói hướng dẫn người xem cách tự tử hoặc tự làm hại bản thân, các video tập trung vào tâm lý tò mò, thích khám phá của trẻ nhỏ, vì vậy, trò chơi tự sát Momo dễ dàng xâm chiếm và điều khiển hành vi của trẻ. Những nội dung nặng nề và nguy hiểm bị lồng ghép, nhồi vào trong các video hoạt hình có thể kể tới súng đạn, rạch dao, tự tử…
Điều đáng nói đến là các video của thử thách này không chỉ được quay riêng thành các clip mà còn được lồng ghép vào các đường link trong các video hoạt hình của trẻ nhỏ yêu thích.
Cùng với đó là thực trạng phụ huynh mải mê với công việc và những mối quan hệ ngoài xã hội, ít có thời gian chăm sóc và chia sẻ với con cái, thay vào đó là cung cấp cho các con các thiết bị điện tử mà không có sự kiểm soát chặt chẽ. Cùng với việc đam mê vào các trò chơi giải trí, việc học tập của học sinh có phần đình trệ hơn, đồng nghĩa với học kém là trẻ thường xuyên phải chịu áp lực từ chuyện học hành, điểm số cao thấp, mối quan hệ với bạn bè, thầy cô.
Những áp lực đó nếu không được chia sẻ, giải tỏa thì sẽ tích tụ lại, khiến trẻ trở nên bế tắc, cảm thấy không ai thấu hiểu và giúp đỡ mình được, từ đó trẻ thu mình lại và tìm đến những cách giải thoát tiêu cực. Khi ấy, những trò chơi thử thách nguy hiểm trên mạng với âm thanh, hình ảnh ấn tượng rất dễ thu hút các em và tạo nên sự ràng buộc vô hình khó thoát ra được.
Các cha mẹ lưu ý để tránh trường hợp phản tác dụng trong việc tương tác với trẻ: Các bậc phụ huynh cần giáo dục và đồng hành với con em mình trong sử dụng internet an toàn, bảo vệ con khỏi những rủi ro có thể xảy ra.
Ví dụ: cấm đoán trẻ không sử dụng Internet không phải là giải pháp, đôi khi còn có tác dụng ngược.
Các cha mẹ cần tỉnh táo tìm hiểu về “Thử thách Momo” và cung cấp thông tin đáng tin cậy cho các con. Bố mẹ nên nói chuyện cùng con, để cho con biết đây là một thử thách nguy hại. Hiện tại, Youtube đang là ứng dụng phổ biến với khán giả nhỏ tuổi trên khắp thế giới. Vậy nên các bậc phụ huynh phải đặc biệt lưu ý trước khi các con mình trở thành nạn nhân của “Thử thách Momo”.
Đặc biệt đối với những trẻ nhỏ độ tuổi mầm non, tiểu học, bố mẹ hiện nay để mặc bọn trẻ xem các video trên YouTube Kids thông qua tivi, máy tính, iPad, điện thoại kết nối mạng. Trẻ có thể mải mê xem hàng giờ, thậm là vài giờ đồng hồ, còn bố mẹ rảnh rang để làm nhiều công việc khác. Khi trẻ vô tình truy cập vào những chương trình có lồng ghép nội dung độc hại, trẻ sẽ được dẫn vào một thế giới hoàn toàn khác với những nội dung không thể kiểm soát được. Nhiều trẻ sau khi xem xong những video này có biểu hiện hoảng loạn, sợ hãi, thậm chí còn có những hành động kỳ lạ đe dọa đến tính mạng.
Vậy cha mẹ đã làm gì để bảo vệ con của mình?
Đối với trẻ nhỏ, cha mẹ cần là người kiểm soát, giúp trẻ như 1 màng lọc thông tin trước khi cho con tiếp cận, bên cạnh đó cần kiểm soát chặt chẽ thời gian và nội dung con đang tiếp cận. Quan tâm tới con hơn, khi con có những biểu hiện lạ thường cần vào cuộc tìm hiểu nguyên nhân để kịp thời can thiệp trước khi có những vấn đề nghiêm trọng hơn có thể xảy ra.
Đối với các con tuổi vị thành niên cha mẹ cần khéo léo điều chỉnh và giám sát các con khi tiếp cận các thông tin, các nội dung chưa phù hợp. Cần làm bạn với con để chia sẻ, thấu hiểu nhưng tâm tư nguyện vọng của con, qua đó dẫn dắt và định hướng cho con tiếp cận với các thông tin trong trạng thái chủ động và chắt lọc hơn. Khi xuất hiện những chương trình độc hại trên mạng, thay vì bưng bít thông tin, cha mẹ hãy cùng con nhận diện, tiếp xúc chủ động, cảnh báo kịp thời để các em biết cách né tránh.
Hãy luôn là những bố mẹ thông thái nhé!
Trả lời