Các bước để dạy trẻ tự vệ sinh cá nhân
Trong xã hội hiện nay, các trẻ em thường được bao bọc và chăm sóc rất chu đáo đến mức quá cẩn thận.
Tâm lý của các cha mẹ là để con tránh được cái gì hay cái đó, làm được hộ con cái gì thì làm, vừa nhàn mình lại nhàn con, làm gì có thời gian mà ngồi hướng dẫn con từ cách nhặt rau, quét nhà…để con bầy bừa ra lại phải dọn, hơn nữa giờ có giúp việc rồi, con chỉ cần lo ăn và đi học thêm còn không kịp chứ đừng nói đến làm viêc nhà.
Đây là tâm lý chung của rất nhiều cha mẹ nhưng các cha mẹ đâu biết rằng chính những bao bọc, chính những cuộc chạy đua theo thời gian đó lại thui chột khả năng của một đứa trẻ.
Dù bất cứ lí do gì đi nữa thì đứa trẻ nào cũng cần có những kỹ năng cơ bản như: Tự vệ sinh cá nhân, tự bảo vệ bản thân…thì mới có thể sinh tồn được.
Xem thêm:
Việc tự vệ sinh cá nhân không chỉ giúp trẻ tạo cho mình phong cách cá nhân mà còn để phòng tránh bệnh tật.
Không cần chờ đến khi con trưởng thành mà ngay từ khi các con bắt đầu đi học (từ mầm non, tiểu học…) các con đều đã phải có kỹ năng để thực hành tự vệ sinh cá nhân, bởi nguồn gốc của bệnh tật xuất hiện rất nhiều ở trường học và các nơi công cộng.
Việc các con có thói quen vệ sinh đúng cách là điều đặc biệt quan trọng và hết sức cần thiết.
Tuy nhiên giáo dục vệ sinh cho trẻ cần phải phù hợp với lứa tuổi. Song song với sự phát triển của cơ thể, trẻ sẽ dần dần lĩnh hội các kiến thức và học hỏi các kỹ năng vệ sinh cá nhân:
Ví dụ:
- Trẻ 2 – 3 tuổi cha mẹ có thể hướng dẫn con cách con đánh răng, rửa tay, súc miệng hoặc ngoáy mũi, ngoáy tai…
- Trẻ 4 tuổi cha mẹ có thể hướng dẫn con cách con mặc quần áo, gấp quần áo, sắp xếp đồ dùng (quần áo, giầy dép, gối, chăn…đúng nơi qui định), chải đầu, buộc tóc…
- Trẻ 5 – 6 tuổi các cha mẹ dạy con thực hành nhuần nhuyễn việc tự tắm, tự gội đầu và tự sắp xếp, bảo quản đồ dùng cá nhân, chuẩn bị trang phục khi ra ngoài và khi đi học.
- Trẻ lớn hơn các cha mẹ có thể hướng dẫn con lau nhà, quét nhà, lau dọn bàn học, giặt, phơi quần áo, nhặt rau, nấu cơm…rồi dần dần hình thành cho trẻ thói quen tự vệ sinh cá nhân đúng cách.
Những việc cần vệ sinh cá nhân như: Rửa tay, tắm, đánh răng, rửa mặt, chải đầu, gội đầu, lựa chọn, sắp xếp và bảo quản trang phục, giày dép đồ dùng cá nhân….
Vậy dạy trẻ kỹ năng vệ sinh cá nhân như thế nào? Cần thực hiện những bước gì?
– Bước 1: Các cha mẹ nên cùng con liệt kê những công viêc cần phải thực hiện và lên kế hoạch thời gian cụ thể để con chủ động hơn.
Ví dụ:
- Các công việc cần phải làm trong ngày: Đánh răng, rửa mặt, gấp gối, chăn, lau bàn, gấp quần …
- Sắp xếp thứ tự công việc theo thời gian biểu trong ngày: Thức dậy – Gấp gối, chăn – Đánh răng, rửa mặt – Ăn sáng….đánh răng, đi ngủ.
– Bước 2: Các cha mẹ hãy cùng con thực hiện những công việc đó từ dễ đến khó, hướng dẫn con từ khâu chuẩn bị đến khâu hoàn thành.
Ví dụ: Khi đi tắm
Các cha mẹ sẽ thực hiện với con, hướng dẫn con từng bước và cho con thực hành lại từng bước …khi đã đảm bảo vệ sinh thực hiện đúng theo quy trình cha mẹ có thể cho con tự thực hiện và chỉ dừng lại ở khâu kiểm tra.
- Chuẩn bị: Quần áo, khăn tắm, xà phòng, bông tắm…
- Sắp xếp đồ dùng và qui định chỗ để cho các đồ dùng: khăn tắm, quần áo bẩn, xà phòng,…
- Thực hiện: Tắm từ đâu đến đâu, thực hiện vệ sinh từng bộ phận như thế nào, yêu cầu thực hiện ra sao…
- Kết thúc: Khi tắm xong con cần làm những gì: Lau người, mặc quần áo, thu quần áo bẩn mang đi giặt, sắp xếp đồ dùng trong nhà tắm gọn gàng…
– Bước 3: Cha mẹ cùng con phân tích những việc nên và không nên khi thực hiện qui trình tự vệ sinh cá nhân, truyền đạt cho con những kỹ năng và những yêu cầu cần có về từng công việc tự vệ sinh cá nhân. Đưa ra cảm nhận của con từ khi bắt đầu cho đến khi kết thúc quá trình thực hiện. Bài học rút ra và kinh nghiệm cho bản thân.
– Bước 4: Cha mẹ hãy duy trì thói quen giữ vệ sinh cho con mỗi ngày đồng thời cùng con tuyên truyền, động viên các bạn cùng thực hiện tốt kỹ năng tự vệ sinh cá nhân.
Từ kỹ năng vệ sinh cá nhân này các con sẽ học được sự độc lập và chủ động, đồng thời đảm bảo có sức khỏe tốt nhất cho việc học và hoạt động. Các con không chỉ tạo cho mình một phong cách riêng mà còn thể hiện sự tôn trọng chính bản thân mình và tôn trọng người khác. Chắc hẳn một người biết chăm sóc và giữ gìn cho bản thân mình thì mới có thể chăm sóc cho người khác phải không nào. Khi các con làm tốt vai trò của mình các cha mẹ cũng có thể yên tâm khi ở bất cứ đâu, bất cứ nơi nào con cũng có thể tự chăm sóc và bảo vệ bản thân một cách tốt nhất.
Đối với các con nhỏ, các con sẽ rất khó để hiểu hết tầm quan trọng của việc vệ sinh cá nhân, vậy cha me hãy tạo cho con hứng thú khi con thực hiện những công việc đó bằng cách: Sử dụng kem đánh răng có mùi thơm con thích, bàn chải có hình con vật yêu thích… để con tự làm và khen ngợi con khi con có sự cố gắng và nỗ lực để duy trì kỹ năng đó thường xuyên.
Cha mẹ có thể cũng con tạo ra những khoảng khắc thú vị khi thực hiện vệ sinh cá nhân để trẻ cảm thấy thích thú và coi đó như một trải nghiệm: Cha mẹ có thể dùng xà phòng tạo thành những quả bóng để cùng trẻ chơi đùa khi rửa tay… chắc hẳn các con sẽ rất hào hứng và tự nguyện để thực hiện.
Blog nuôi con đúng cách chúc các cha mẹ thành công trong việc giáo dục kỹ năng vệ sinh cá nhân cho trẻ.
Nếu các mẹ thấy bài viết: “Dạy trẻ kỹ năng vệ sinh cá nhân” này hay và bổ ích, hãy subscribe blog nuôi con đúng cách để thường xuyên cập nhật những bài viết hay nhất, mới nhất qua email nhé. Cảm ơn rất nhiều!
trương hằng viết
xin chào, cho m hỏi. m sẽ khuyến khích con tự vệ sinh cá nhân, nhưng nếu bé không hợp tác, lúc đó mẹ nên làm thế nào, nói thế nào để động viên con, hay là làm thay con cho đến khi còn tự làm được. cảm ơn
Nuôi con đúng cách viết
Mẹ hãy lập thời gian biểu trước. Sau đó đứng cạnh con làm từng bước và động viên con hoàn thành. Nếu con không hợp tác thì dừng luôn và không cần nói gì thêm, hôm sau có thể nhờ ai đó hoặc khi con đi học hãy nói nhỏ với cô giáo rằng hôm qua con không chịu vệ sinh cá nhân để cô phê bình con, điều đó sẽ khiến cho con xấu hổ và phải tự giác làm vệ sinh cá nhân