Một số phương pháp giúp cha mẹ bớt đau đầu về việc dạy trẻ yêu thương và nhường nhịn nhau
Thực tế khi gia đình có thêm thành viên mới, việc tương tác với trẻ làm sao để hai con không xảy ra mâu thuẫn và yêu thương nhau hơn là điều cha mẹ nào cũng mong muốn. Tuy nhiên thực tế không đơn giản như cha mẹ nghĩ, bởi không phải chỉ giảng giải cho trẻ hiểu thì trẻ có thể làm được. Như chính gia đình của tôi, từ khi có ý định sinh bé thứ 2 tôi đã phải nói chuyện và làm công tác tư tưởng với bé. Và thực tế là tôi đã thành công nên hôm nay xin được chia sẻ với các cha mẹ một số các phương pháp để các cha mẹ bớt đau đầu về việc dạy trẻ yêu thương và nhường nhịn nhau.
Xem Thêm: Tại sao cần cho trẻ đi ngủ đúng giờ
Trước tiên vợ chồng tôi đã thống nhất sẽ sinh bé thứ 2 khi bé lớn được 5 tuổi để không quá thiệt thòi cho con và con cũng đã bắt đầu tự phục vụ được bản thân, có thể làm anh tốt hơn rồi. Vậy nên khi có ý định sinh bé thứ 2- tôi đã cùng chồng lập kế hoạch để chuẩn bị tâm lý cho con, sau đây sẽ là hành trình của tôi để giúp bé yêu thương nhường nhịn em hơn.
- Sau khi tôi và chồng bàn bạc về kế hoạch sinh bé thứ 2, tôi đã nói chuyện như để hỏi ý kiến của con trai là: con có thích em bé không? Bố mẹ sinh em bé nhé. Theo tôi nghĩ khi tôi hỏi ý kiến con con sẽ cảm thấy như mình quan trọng, bố mẹ để ý đến cảm giác của trẻ hơn. Rồi mỗi ngày tôi lại cùng con nói chuyện về em bé trong bụng, trả lời hàng tá những câu hỏi ngô nghê của con về em bé như: em bé trong bụng mẹ đang làm gì đấy, em ấy đạp hả mẹ cứ như vậy mỗi ngày con nói chuyện với em, hỏi thăm em dần dần con đã hình thành được trong đầu con có em và em con như thế nào, con sẽ làm gì khi em sinh ra, đồng thời tôi chắc chắn rằng con sẽ rất háo hức để đón chờ em.
Có lần bạn ấy hỏi mẹ rằng: mẹ ơi, em tên là gì? Tôi hỏi con thay vì câu trả lời: vậy con muốn đặt tên em là gì? Ban ấy suy nghĩ hồi lâu rồi nói: em bắp hay em bơ hả mẹ? rồi lại quay ra hỏi thế trong bụng mẹ có mấy em? Nếu là 1 em thì con gọi là em bắp, còn 2 em thì sẽ là em bơ, em bắp nhé mẹ. Tôi tôn trọng ý kiến của con và đồng ý với phương án đó.
Hằng ngày khi cho em nghe nhạc hoặc nói chuyện với em, tôi thường rủ anh hỏi em, ôm em (bụng mẹ) để em cảm nhận được em đạp. Khi đi siêu âm cả gia đình sẽ cùng đi để con cảm nhận sự lớn lên của em bé mỗi ngày.
Thi thoảng tôi vẫn nói những lời lẽ yêu thương với con và chia sẻ với con về việc sau này mẹ cũng yêu cả 2 anh em và 2 anh em phải yêu thương nhau như nào, những tình huống có thể xẩy ra nếu em ra đời. Để con hiểu rằng dù thế nào thì bố mẹ vẫn yêu thương cả hai anh em.
Tôi cũng chuẩn bị sẵn tâm lý cho con ngủ riêng bằng cách mua giường, gối chăn hình Doremon mà con thích rồi kê 1 cái giường gần với giường bố mẹ nằm để con ngủ. Con rất hào hứng và thích thú tuy nhiên bạn này rất nhát nên chỉ ngủ được 1 tối thì lại xin bố ngủ cùng. Vậy là vợ chồng tôi tách ra để con ngủ cùng bố mỗi ngày. Đến khi em bé chào đời thì 2 mẹ con chuyển sang phòng khác ngủ, để bố ngủ với anh. Vậy là vấn đề ngủ của con cũng tạm yên tâm.
– Đến khi em bé chào đời, tôi hướng dẫn anh cách thể hiện tình yêu thương với em, làm thế nào để giữ trật tự khi em ngủ và tôi sắp xếp để giành thời gian chơi với bạn anh để con không hụt hẫng khi có em. Mỗi ngày tôi đều cho anh em gặp nhau, hướng dẫn con cách cùng mẹ chăm sóc em, giúp mẹ chuẩn bị đồ cho em tắm, pha sữa cho em hoặc gọi em để tạo trò chơi cho em. Chính những hành động nhỏ như vậy đã giúp hai bé gần nhau hơn, anh cảm thấy có trách nhiệm hơn với em của mình, nâng cao vai trò làm anh.
– Khi hai bé đã lớn hơn một chút, hai bé tương tác với nhau nhiều hơn nên mâu thuẫn xảy ra cũng nhiều: khi thì anh bế em làm em ngã, khi thì nô đùa ôm ghì nhau chặt, khi thì anh đút cho em ăn những đồ em chưa ăn được, rồi tranh nhau đồ chơi…Mỗi khi như vậy tôi đều hướng dẫn con và cùng con phân tích tình huống đó rồi hoán đổi tư duy cho con rằng thay vì con làm vậy thì con sẽ. Khi em bé lớn hơn 1 chút, đã bắt đầu nhận thức đúng sai, tôi bắt đầu đứng ngoài cuộc của những lúc các con chiến tranh. Để các con hiểu rằng việc của chúng chúng phải tự giải quyết, mẹ không bênh vực ai, sau đó mới nói chuyện với từng con để con biết cách xử lý tình huống.
Đồng thời các cha mẹ cần lưu ý rằng muốn dạy trẻ yêu thương nhau thì trước hết cha mẹ cần công bằng với mọi việc, kể cả việc ăn, sử dụng đồ của các con. Ví dụ như mua đồ cũng sẽ mua đồ giống nhau, anh được cái này em cũng sẽ có cái khác nhưng bạn nào cũng có. Thức ăn cũng được chia đều. Không bắt anh phải nhường em, điều này sẽ khiến bạn anh có sự ganh tị và hình thành sự ích kỷ với em. Không chỉ vậy cha mẹ cần nói chuyện với cả 2 con bằng chính cảm xúc của mình cũng như lắng nghe cảm nhận của chúng từ đó có cách ứng xử phù hợp. Các con yêu thương nhau hay không phần nhiều do môi trường và cách tương tác của cha mẹ. Vì vậy cha mẹ đừng nghĩ rằng trẻ còn nhỏ nên chưa để ý, chưa hiểu biết được vấn đề nhé. Tôi tin các cha mẹ hiểu được tầm quan trọng của vấn đề chắc chắn sẽ không phải đau đầu trong việc dạy con cách yêu thương và nhường nhịn nhau nữa nhé.
Trả lời