Mục lục bài viết:
Để con viết chữ đẹp
“Nét chữ là nết người” nhưng làm sao để rèn luyện được cho con cách viết chữ đẹp luôn là câu hỏi đối với nhiều bậc cha mẹ ngay từ thủa ban đầu con cầm bút. Ở giai đoạn chuyển tiếp từ mầm non lên cấp tiểu học, việc làm quen với chữ viết đối với các con càng thật khó khăn bởi đôi tay còn vụng về, lóng ngóng. Luyện cho con viết chữ đẹp không khó như nhiều cha mẹ vẫn tưởng. Hãy tham khảo bài viết sau để tìm ra bí quyết giúp con viết chữ đẹp các cha mẹ nhé!
Khi ở mẫu giáo, các con mới được làm quen với đọc và tô các chữ cái, chưa có khái niệm về đường kẻ, dòng kẻ, chưa nắm được cấu tạo của các nét cơ bản, cấu tạo của các chữ cái, chưa nắm được độ cao, độ rộng, của từng con chữ, khoảng cách giữa các chữ ghi tiếng, cách viết các chữ thường, dấu thanh và các chữ số, chưa nắm được quy trình viết chữ cái, nhiều con còn viết chữ ngược, số ngược. Vì vây, cha mẹ cần bình tĩnh và kiên trì để hướng dẫn các con nhé.
Nguyên tắc 1: Cầm bút đúng cách
- Cầm bút bằng 3 ngón: ngón trỏ, ngón cái, ngón giữa. Ngón cái và ngón trỏ giữ chặt 2 bên thân bút. Ngón giữa để ở dưới để đỡ bút.
- Bút nghiêng về phía bên vai phải một ngóc 60 độ. Tuyệt đối không cầm bút dựng đứng 90 độ
- Lòng bàn tay và cánh tay làm thành một đường thẳng
- Khoảng cách giữa các đầu ngón tay và ngòi bút là 2,5cm
Nguyên tắc 2: Tư thế đúng cách
Tư thế viết đúng cách không chỉ giúp chữ đẹp mà quan trọng hơn, nó có lợi cho sự phát triển bình thường của cột sống và bảo vệ thị lực cho trẻ.
Cách ngồi chuẩn sẽ là:
- Vị trí bàn ngang, gần ngực nhưng không chạm hẳn vào ngực
- Chân ngồi dạng có chiều rộng bằng vai, trọng lượng cơ thể tập trung ở hông và đùi.
- Lưng thẳng
- Vòng tay rộng mở thoải mái, cái tay, cổ tay đặt trên bàn không bị vướng bới máy tính, sách, thước kẻ hay bất cứ vật dụng gì. Cố gắng không cho bé di chuyển cả cánh tay khi viết.
Nguyên tắc 3: Học chắc các nét cơ bản rồi mới học chữ
Để các con viết chữ đúng và đẹp thì việc đầu tiên là cha mẹ phải hướng dẫn các con nắm chắc các nét chữ cơ bản. Trước tiên, cha mẹ hãy cho con con nắm được các thuật ngữ dòng kẻ: “Dòng kẻ ngang 1, ngang 2, ngang 3, ngang 4, ngang 5. Ô li 1, ô li 2…ô li 5. Đường kẻ ngang trên, ngang dưới của một ô li. Dòng kẻ dọc 1, dòng kẻ dọc 2, … dòng kẻ dọc 5” trong vở ô li, Vở Tập viết, trên bảng con, bảng lớp.
- Sau đó, cha mẹ sẽ hướng dẫn cho trẻ nắm chắc và viết tốt các nét cơ bản của chữ: nét ngang, nét sổ, nét xiên trái, nét xiên phải, nét móc trên, nét móc dưới, nét móc hai đầu (là kết hợp của nét móc trên và nét móc dưới), nét cong hở phải, nét cong hở trái, nét cong khép kín, nét khuyết trên, nét khuyết dưới, nét thắt, nét khuyết đôi. Việc nắm chắc cách viết, viết đúng, viết đẹp thành thạo các nét cơ bản sẽ nắm được cấu tạo của từng chữ cái giúp cho việc nối các nét thành chữ cái sẽ dễ dàng hơn.
- Sau đó, cha mẹ dạy học sinh cách xác định toạ độ của điểm đặt bút và điểm dừng bút phải dựa trên khung chữ làm chuẩn. Hướng dẫn học sinh hiểu điểm đặt bút là điểm bắt đầu khi viết một nét trong một chữ cái hay một chữ. Để chữ viết không bị rời rạc, đứt nét, cha mẹ nhấn mạnh hơn chỗ nối nét, nhắc các con viết đều nét, liền mạch đúng kĩ thuật.
Có một số bậc cha mẹ hay thắc mắc sao mà cháu đi học mấy ngày rồi mới chỉ viết được có mấy nét cơ bản, mãi chưa thấy viết được chữ nào. Các cha mẹ không nên sốt ruột vì nếu các bé nắm vững được cái “gốc” này rồi, sau khi viết vào chữ sẽ vô cùng đơn giản và hiếm khi bị xấu chữ.
Nguyên tắc 4: Mỗi ngày đều phải dành thời gian luyện chữ
Nét chữ cũng như nết người, nếu không lặp đi lặp lại thì sẽ rất dễ quên. Nhưng nếu đã thành thói quen thì lại…khó bỏ. Thời gian đầu dạy con luyện chữ, cha mẹ cần nhất nhất dành thời gian mỗi ngày đều phải cùng con thực hành. Việc luyện chữ có thể trong khoảng 30 phút mỗi ngày là đủ.
Nguyên tắc 5: Không tạo áp lực cho con
Não bộ của con trong giai đoạn này mới chỉ phát triển đủ dành cho các hoạt động tập trung ngắn hạn, vì vậy, cha mẹ không nên ép con luyện viết trong thời gian quá dài. Hãy để con dần làm quen với việc luyện chữ đẹp trong thời gian phù hợp và tăng lên từ từ để tránh việc con “đánh rơi” hứng thú với môn này và kết quả sẽ trở nên tệ hại hơn.
Cha mẹ cũng có thể biến môn học khô khan này thành trò chơi thú vị cho các con bằng cách tổ chức các cuộc thi viết chữ, thi vẽ tranh các chữ cái, thi viết chữ đẹp nên trên đất, nền cát… Điều đó sẽ khiến trẻ cảm thấy hứng thú hơn rất nhiều.
Chúc các cha mẹ thành công!
Trả lời