Mục lục bài viết:
Phương pháp dạy toán tư duy cho trẻ
Rất nhiều trẻ cho rằng toán là một môn học khó, khô khan. Chúng cảm thấy chán nản khi phải tiếp xúc với các khái niệm, định lý, những công thức dài dòng. Vậy làm thế nào để biến những con số cứng nhắc ấy trở nên thú vị và khơi gợi niềm đam mê học toán của trẻ? Ngày nay, rất nhiều bậc cha mẹ đầu tư cho con học toán tư duy với mong muốn cải thiện tình hình học của con. Tuy nhiên, có bao giờ các cha mẹ tự hỏi vì sao con người ta không cần đi học thêm mà vẫn có thể học giỏi toán? Cha mẹ hãy tham khảo các phương pháp dạy toán tư duy cho trẻ dưới đây để giúp trẻ học toán hiệu quả hơn và ứng dụng thực tế tốt hơn nhé.
Nhắc đến toán học nhiều người thường nghĩ đến những con số, những công thức, tính chất mang tính lý thuyết nhưng toán tư duy thì khác. Nó sẽ mang đến cho con bạn những trải nghiệm vô cùng thú vị và mới mẻ, khơi gợi niềm đam mê, hứng thú của trẻ. Chúng ta biết rằng việc sử dụng tư duy ngày càng thường xuyên giúp trẻ hình thành khả năng phán đoán chính xác, khả năng quản lý và sắp xếp vấn đề một cách hợp lý. Việc biết phương pháp tư duy khoa học và nhanh nhậy giúp trẻ phát triển các vấn đề khó của toán học theo tư duy logic, từ đó trẻ có thể tự vận dụng khả năng tư duy của não bộ một cách độc lập.
Xem thêm:
Các phương pháp dạy toán tư duy
1. Dạy trẻ tập đếm
Bài toán tư duy đầu tiên là dạy trẻ tập đếm. Khi trẻ bắt đầu làm quen với môn toán, cha mẹ hãy dạy trẻ bắt đầu từ những con số nhé. Đầu tiên, cha mẹ nên đếm cho trẻ nghe, làm quen và bắt chước theo. Cha mẹ có thể đếm cho trẻ nghe khi tiếp xúc với bất cứ đồ vật nào trong nhà, chẳng hạn như đếm số thành viên trong gia đình, đồ chơi, cốc, chén, bát ăn cơm, ngón tay, ngón chân, hay đếm bậc cầu thang nhà mình khi dẫn trẻ leo, đếm số bước chân khi dẫn trẻ đi công viên. Cứ như vậy, trẻ vừa làm quen được các đồ vật, vừa bước đầu được tiếp xúc, làm quen với các số đếm. Để trẻ có thể ghi nhớ dễ dàng hơn, đầu tiên cha mẹ nên nói chậm, to, lặp đi lặp lại nhiều lần, sau đó bắt trẻ đếm theo và tăng dần tốc độ. Cha mẹ lưu ý hãy dạy trẻ bắt đầu từ những con số và có thể tập ngay từ khi trẻ biết nói nhé.
2. Nhận biết kích thước và hình dáng của đồ vật
Một phương pháp khác để dạy toán tư duy cho trẻ chính là dạy trẻ nhận biết kích thước và hình dáng các đồ vật xung quanh. Với phương pháp này cha mẹ sẽ giúp trẻ được kích thích khả năng sáng tạo và tư duy toán một cách logic. Cha mẹ có thể mua đồ chơi với nhiều hình dạng khác nhau như hình tròn, vuông, chữ nhật, tam giác, cái dài, cái ngắn. Sau đó, đổ chung lại với nhau và cùng bé phân loại đồ vật. Ngoài các đồ chơi, cha mẹ có thể sử dụng tất cả các đồ vật, đồ dùng khác để cho trẻ nhận diện hàng ngày. Cha mẹ cũng có thể mua cho trẻ các quyển sách, quyển tập tô màu vẽ các hình khối với nhiều hình dạng, kích thước giúp bé hứng thú với việc học hơn và tư duy sáng tạo đối với môn Toán hơn.
3. Dạy trẻ tập xem đồng hồ
Bài toán tư duy thứ ba là dạy trẻ tập xem đồng hồ. Đây cũng là một phương pháp giúp trẻ học toán tư duy dễ dàng hơn. Đầu tiên, cha mẹ cần hướng dẫn trẻ 12 con số và ý nghĩa của những con số ở đồng hồ, những con số nào gắn với giờ giấc sinh hoạt của bé. Cha mẹ nên thường xuyên hỏi trẻ xem kim ngắn chỉ số mấy? Kim dài chỉ số mấy. Đây là cách để trẻ nhà bạn dễ nhớ và “thuộc bài” nhanh hơn vì nó giúp trẻ tư duy logic theo lịch sinh hoạt của mình.
Bên cạnh đó, các cha mẹ có thể tạo ra các tình huống trong cuộc sống hằng ngay như: “7h con vào học thì còn bao lâu nữa thì chúng ta đến trường để không bị trễ học nhỉ?”. Với những câu như thế này, bạn có thể hỏi trẻ mọi lúc, mọi nơi và thường xuyên để giúp các bé tính toán nhanh và nhớ lâu hơn, các kiến thức về toán tư duy cũng được hình thành một cách tự nhiên trở thành một thói quen tốt.
4. Thông qua các trò chơi
Các trò chơi hằng ngày như: chơi đoán số, đoán cân nặng, chơi tạo hình, cũng là một trong những phương pháp cha mẹ có thể áp dụng để giúp trẻ học giỏi môn toán tư duy hơn.
Khi trẻ đã học đếm và nhận biết được các con số, cha mẹ nên khuyến khích trẻ tham gia các trò chơi với mức độ khó hơn. Ví dụ như mẹ cho trẻ một dãy số từ 10 đến 20, rồi hỏi trẻ là số 15 lớn hơn những số nào, nhỏ hơn những số nào.
Một trò chơi khác mà các bậc cha mẹ nên áp dụng cho con mình là trò cắt bánh. Ví dụ bạn lấy một chiếc bánh bông lan, sau đó yêu cầu bé hãy cắt chiếc bánh cho 2 người ăn, 4 người ăn hay 8 người ăn. Phương pháp này không chỉ giúp bé có thể nhìn trực quan mà còn tạo không khí vui vẻ vì bé nào cũng thích được làm chủ trò, chia quà cho người khác.
Ngoài ra, chơi đoán số, đoán cân nặng, chơi tạo hình, cũng là cách hay để bạn giúp trẻ học giỏi môn toán và hình thành các phép tính tư duy toán học nhanh hơn.
5. Mượn thơ hoặc bài hát giúp trẻ có hứng thú hơn với toán tư duy
Khi sử dụng thơ hoặc các bài hát liên quan đến toán học sẽ giúp trẻ ghi nhớ dễ dàng. Những thứ có vần điệu lên xuống, lặp đi lặp lại sẽ giúp trẻ hứng thú và học nhanh hơn. Lúc hát cha mẹ nên nhấn mạnh đến những câu chữ số đếm, ví dụ như: “1 với 1 là 2, 2 với 2 là 4,”. Khi hát, cha mẹ nên chỉ cho bé cách dùng ngón tay để minh hoạ.
Với những phương pháp trên, cha mẹ sẽ giúp trẻ không còn cảm thấy buồn tẻ, khó khăn với môn toán nữa mà mặt khác chúng sẽ càng hứng thú và yêu thích việc học toán hơn. Hi vọng từ bài viết này các bậc cha mẹ có thể ứng dụng và thực hành với trẻ giúp trẻ bước đầu làm quen và cảm thấy học toán tư duy thật đơn giản và thú vị!
Trả lời