Mục lục bài viết:
Rèn con vào kỉ luật mà không cần đòn roi
Khi trở thành bố mẹ, đồng nghĩa với việc chúng ta phải đối mặt với vô số các tình huống như con cái nghịch ngợm, người lúc nào cũng nhem nhuốc, đồ chơi vương vãi đầy nhà. Cộng thêm những áp lực từ công việc, cuộc sống hàng ngày khiến chúng ta không kiểm soát cảm xúc, mất bình tĩnh, trở nên cáu gắt thậm chí dùng đòn roi với trẻ khi xử lý các tình huống nêu trên và bao biện bởi suy nghĩ “yêu cho roi cho vọt”. Khi áp dụng phương pháp này, bố mẹ đang ngộ nhận sự khôn lớn, dạn dày là kết quả của việc rèn giũa nghiêm khắc bằng đòn roi, quát mắng, bằng những lời hứa trong nước mắt. Rất nhiều nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra rằng việc giáo dục trẻ bằng roi vọt không chỉ tổn hại đến thể chất mà ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần và trí tuệ của các bé. Bởi trong cơ thể con người có một loại hoocmon có tên là cortisol, được tiết ra mỗi lần trẻ sợ hãi, thiếu tự tin nếu cha mẹ thường xuyên ép buộc trẻ làm theo ý muốn của mình. Đây là loại hoocmon khiến trẻ phát triển chậm, não thường kém thông minh hơn so với những đứa trẻ khác.
Chúng ta cùng bắt đầu bằng câu hỏi: “Lấy ví dụ về con voi bị xích trong vườn thú Thủ Lệ. Vì sao một con voi hoàn toàn có đủ sức mạnh để phá tung sợi xích mỏng manh đó và thoát ra ngoài mà nó lại không làm như vậy?”
Tại sao ư? Vì từ bé, nó đã bị xích như vậy, mỗi lần nó phá xích hay có ý định phá xích là có người đánh nó. Cứ như vậy cho đến lúc dần dần nó không còn nghĩ đến việc phá sợi xích đó nữa, nó đã mất hết bản năng về việc đó. Nó không biết dùng sức mạnh của mình để cứu lấy mình. Vậy các bố mẹ có muốn con của chúng ta giống con voi đó không?
Với mong muốn truyền tải thông điệp “Con luôn luôn tốt chỉ có hành động là xấu” tới các bậc phụ huynh, “Rèn con vào kỉ luật mà không cần đòn roi” được đưa ra như một lối thoát cho nhiều bậc phụ huynh về cách dạy trẻ mà không cần dùng đến bạo lực hay những mắng mỏ nặng lời. Phương pháp gồm các quy tắc rõ rang về thưởng, phạt, nghệ thuật khen hoặc chê, cùng những quy tắc ứng xử giữa cha mẹ và con cái… Đây là phương pháp giáo dục con cái bao gồm việc không bạo lực về thể xác cũng như tinh thần của trẻ. Tuy nhiên, không có nghĩa là cha mẹ phải chiều chuộng trẻ mà là rèn luyện các tính cách của trẻ trong giới hạn và sự kiên trì bền bỉ.
Thống nhất cách dạy bé với cả gia đình
Trên thực tế nhiều gia đình chưa có sự thống nhất giữa các thành viên về vấn đề dạy con, tương tác với trẻ, rèn giũa trẻ nên xảy ra tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”, tạo ra kẽ hở để trẻ phát triển lệch lạc. Muốn dạy con ngoan trước tiên phải có sự thống nhất quan điểm trong cả gia đình, bố mẹ, ông bà để có sự ủng hộ. Quan trọng nhất quan điểm này để tránh bé có suy nghĩ rằng bố mẹ là người ác còn chỉ có ông bà mới thương mình – đây là những suy nghĩ lệch lạc, không tốt.
Xem thêm:
Biết nói “không” với con
Một trong những nguyên nhân đầu tiên khiến bé nảy sinh tật xấu là bé chưa từng bị người lớn từ chối bất cứ yêu cầu gì. Để sửa sai, bố mẹ nên bắt đầu nói “không” với trẻ nhưng không quát mắng mà phải điềm tĩnh giữ thế chỉ huy đối với bé. Triết lý đằng sau kỹ thuật này là chúng ta không muốn châm ngòi cho những cuộc chiến hay cãi vã với con trẻ. Trẻ con rất tinh ý, bé có thể phát hiện được rằng liệu có khả năng nào để thỏa hiệp thì bé sẽ lấn lướt cho tới khi bạn đồng ý thì thôi. Vì vậy bố mẹ cần cương quyết và giữ thái độ điềm tĩnh, cho trẻ nhận ra rằng người lớn mới là người quyết định.
Phạt trẻ một cách khoa học
Mỗi lần trẻ phạm lỗi, điều bố mẹ cần làm là bình tĩnh, giải thích và phân tích cho trẻ nhận ra đúng sau từ đó điều chỉnh hành vi mà không cần nhận sự trừng phạt.
Lắng nghe con
Hãy dành thời gian lắng nghe những chia sẻ, những cảm nhận của trẻ và không nên để những chuyện tiêu cực làm gián đoạn đến khoảng thời gian quan trọng này. Sau khi lắng nghe, bố mẹ cần đưa ra lời khuyên hữu ích cho những chia sẻ của trẻ.
Dành thời gian cho con tự suy xét
Mỗi khi trẻ cư xử không tốt, thay vì la mắng, hãy cho trẻ một khoảng thời gian để trẻ tự suy ngẫm về hành vi của mình ở một nơi riêng tư, không bị phân tâm. Trong trường hợp cả bố mẹ và trẻ đều tham gia cuộc cãi vã thì cha mẹ và trẻ cũng dành thời gian cho mình suy nghĩ. Điều này cho trẻ nhận ra rằng, ngay cả khi bố mẹ phạm lỗi thì cũng không nên bào chữa cho việc làm sai trái bằng những lý lẽ không thuyết phục.
Nghệ thuật khen, chê đúng lúc
Hãy dành cho trẻ những lời khen khi trẻ làm được việc tốt, tuy nhiên không nên đánh giá cao hơn so với bạn bè vì điều này khiến trẻ suy nghĩ tự mãn. Ngoài ra không nên dạy trẻ theo cách so sánh với “con nhà người ta” để trẻ không tự ái và tổn thương gây nản chí, tự ti.
Dạy trẻ tính tự giác
Bố mẹ sử dụng phương pháp này lồng ghép vào các hoạt động thường ngày để trẻ nhìn nhận và hành động một cách nghiêm túc. Ví dụ: nhờ trẻ làm các công việc nhà đơn giản, vừa làm vừa hướng dẫn. Đặc biệt, bố mẹ cần kiên nhẫn trong quá trình dạy trẻ bởi hành động này cần được diễn ra trong một khoảng thời gian nhất định, để trẻ dần hình thành thói quen tự giác.
Trên đây là một số chia sẻ về quá trình rèn con vào kỉ luật mà không cần đòn roi. Nuôi dạy trẻ là một quá trình dài, đòi hỏi bố mẹ phải thật sự kiên nhẫn và có phương pháp giáo dục phù hợp để trẻ không có những phản ứng tiêu cực. Dù nóng giận hay muốn trách phạt trẻ như thế nào, bố mẹ cũng đừng quên thể hiện cho trẻ thấy tình yêu thương vô bờ bến của mình đối với trẻ. Kể cả khi trẻ đang giận dỗi, tìm mọi cách để khiêu khích bố mẹ thì cũng đừng trở nên nóng giận mà hãy nhẹ nhàng bày tỏ với trẻ rằng dù thế nào thì bố mẹ vẫn yêu thương con. Chính tình yêu thương vô điều kiện ấy sẽ là sợi dây liên kết giữa cha mẹ và con cái. Nhận thức điều này dần dần, trẻ sẽ cảm nhận được tình cảm mà bố mẹ dành cho và tự ý thức được việc phải cư xử đúng với kỳ vọng của bố mẹ.
Trả lời