Trong những ngày gần đây chẳc hẳn mọi người đều chưa hết bàng hoàng sau câu chuyện 1 học sinh lớp 1 tử vong do bị bỏ quên trên xe đưa đón đến trường.
Sự việc đau lòng trên diễn ra vào ngày 06/08/2019. Gia đình bé đã xác nhận là buổi sáng có đưa cháu bé đến điểm chờ xe buýt của trường Gateway để đi học, đến 16h cùng ngày thì gia định nhận được tin từ phía nhà trường là bé không đến lớp học, sau đó là thông báo con ngủ quên trên xe và đang được cấp cứu tại bệnh viện E, khi gia đình đến bệnh viên thì bé đã mất.
Tại sao? Câu hỏi đặt ra ở đây là tại sao họ có thể bỏ quên một đứa bé trên xe trong khi trên xe ngoài 13 học sinh ra có cả bác tài xế và một cô giáo phụ trách đón trả học sinh đi cùng.
- Nếu bác tài xế và cô giáo phụ trách thực hiện đúng trách nhiệm kiểm tra xe sau khi học sinh xuống hết thì đã không xảy ra sự việc thương tâm đó.
- Nếu cô phụ trách điểm danh (monitor) đếm số lượng và bàn giao học sinh cho giáo viên chủ nhiệm cẩn thận thì sẽ không có chuyện còn một học sinh trên xe mà không biết.
- Nếu giáo viên chủ nhiệm kịp thời báo lại học sinh nghỉ học đến các bộ phận liên quan của trường học, đến phụ huynh thì mọi chuyện sẽ khác.
Sự thờ ơ, vô tâm của mỗi vị trí, của mỗi người đã khiến em bé bị bỏ lại trên xe, không đến lớp vậy mà cũng không ai bận tâm, tìm kiếm. Các bé còn rất nhỏ, nhiều khi có thể quên áo, mũ, cặp sách hay đồ dùng học tập cần thiết, một hành động kiểm tra xe nhỏ như vậy thôi nhưng lại có ý nghĩa rất lớn đối với bé
Qua sự việc này nhiều bậc phụ huynh cũng giật mình nghĩ lại cũng đã có lần con mình rơi vào hoàn cảnh tương tự nhưng con không sao, chưa để lại hệ quả gì nên cũng cho qua. Chỉ đến khi xảy ra kết quả nghiêm trọng rồi con người ta mới tìm phương án giải quyết, khắc phục. Câu chuyện dấy lên hồi chuông về sự chủ quan, thiếu cảnh giác của những cá nhân, tổ chức thực hiện nhiệm vụ quản lý, đưa đón học sinh và sự liên kết giữa các bộ phận trong một đoàn thể. Chỉ khi được liên kết chặt chẽ giữa các khâu thì bộ máy mới có thể vận hành tốt.
Dù những người liên quan phải chịu trách nhiệm sẽ bị khởi tố nhưng sự việc xảy ra là bài học quá đắt đối với công tác quản lý, đón trả học sinh không chỉ riêng trường quốc tế Gateway mà cho tất cả các trường, dù là trường công hay trường tư. Việc quản lý dịch vụ này cần bài bản, phối hợp, kiểm tra chéo cẩn thận và không thể chủ quan. Nó không dừng lại ở việc đảm bảo sự an toàn cho bé trên đoạn đường từ nhà đến trường, từ trường về nhà mà là đảm bảo an toàn cho bé mọi lúc mọi nơi.
Em học sinh mới có 6 tuổi, mới chính thức đi học tiểu học được 2 ngày. Một đứa trẻ nhỏ như vậy mà đã phải chịu đựng nỗi sợ hãi khi ở một mình nhiều giờ đồng hồ trên chiếc xe 16 chỗ với bóng tối, hoảng sợ, đói, thiếu oxy, không một ai giúp đỡ,… Gia đình cho bé học ở một trường quốc tế với học phí rất cao cũng chỉ vì muốn con của mình được hưởng những điều tốt đẹp nhất, muốn con có một môi trường tốt nhất để phát triển, vậy mà cả một bầu trời hy vọng rồi đột ngột bị dập tắt. Đứa trẻ bị cướp đi một quyền cơ bản nhất của một con người, đó là quyền được sống.
Câu chuyện trên cũng chính là hồi chuông cảnh tỉnh cho các bậc phụ huynh trong việc chọn trường cũng như trong lựa chọn phương pháp giáo dục con. Phải chăng, trong nền giáo dục này chúng ta đã quá chú trọng cho con em mình “học chữ” thay vì những gì đáng phải học trước là kĩ năng tự cứu lấy mình, kĩ năng thoát hiểm, kĩ năng xử lý trong các tình huống khó khăn. Từ đó ta thấy kĩ năng sống nói chung và kĩ năng sinh tồn nói riêng là vô cùng cần thiết và quan trọng đối với mỗi người, đặc biệt là trẻ nhỏ. Kĩ năng sinh tồn hay hiểu đơn giản là kĩ năng thoát hiểm giúp bạn bình tĩnh đối mặt với các vấn đề và nhanh chóng tìm ra được cách xử lý phù hợp để bảo vệ tính mạng, tài sản… của bản thân và những người xung quanh.
Chẳng biết đến khi nào mọi người mới hết ám ảnh về câu chuyện này, hi vọng câu chuyện này không chỉ là bài học cho công tác tổ chức của trường Gateway mà còn là bài học cho tất cả các trường, cho mọi người để nhìn lại bản thân mình, nhìn lại con mình, người thân của mình, sống trách nhiệm hơn, yêu thương nhiều hơn để căn bệnh vô cảm trong xã hội dần được đẩy lùi.
Trả lời