Cha mẹ thất hứa sao có thể dạy con tôn trọng lời hứa?
Giữa bộn bề công việc của cuộc sống thường nhật, mấy cha mẹ nhớ đến những điều mình đã hứa với con trẻ. Không chỉ vậy, rất nhiều các cha mẹ tin rằng bọn trẻ rất ham chơi, ham vui, nhanh nhớ, nhanh quên, chúng sẽ chả nhớ được những gì cha mẹ đã hứa. Hơn thế nữa, cha mẹ tự cho mình cái quyền được thất hứa với trăm ngàn lý do như: bố mẹ trăm công nghìn việc nay không thực hiện được thì mai, không làm được cái này thì đã đền bù cho cái khác rồi có làm sao đâu.
Nhưng cha mẹ đâu biết rằng vô hình chung chính những lần thất hứa đó của cha mẹ lại ảnh hướng đến trẻ rất nhiều. Bố mẹ thất hứa, sao có thể mong trẻ biết giữ lời hứa? Không chỉ vậy, việc thực hiện lời hứa còn như sợi dây vô hình gắn kết trẻ với cha mẹ và hơn cả trẻ có sự nể phục, niềm tin mãnh liệt vào cha mẹ mình.
Vậy nếu cha mẹ thất hứa – điều gì sẽ xảy ra với trẻ?
Chúng ta cùng nhau đi tìm hiểu nhé!
Xem Thêm: Nhận diện và phòng tránh việc chậm nói ở trẻ
1. Trẻ mất niềm tin vào người khác và sẽ học theo
Cũng giống như người lớn, trẻ cũng có niềm tin và sự kỳ vọng vào ai đó. Các cha mẹ hay nhầm tưởng rằng chúng chẳng biết lời hứa là gì và cũng nhanh bơ đi như chẳng có gì xảy ra vì suy nghĩ của chúng rất đơn giản. Nhưng thực tế thì không phải vậy.
Nếu cha mẹ hứa với con rằng con ăn hết bát cơm này cuối tuần cha mẹ sẽ cho con đi chơi công viên. Chẳng phải nói cũng biết trẻ sẽ háo hức cỡ nào và cố gắng để ăn hết bát cơm đó. Nhưng đến cuối tuần vì lý do nào đó mà cha mẹ lại trì hoãn lại việc cho trẻ đi chơi. Không cần nói chúng ta cũng hiểu rằng lúc đó trẻ buồn đến như thế nào. Có thế nếu có cái gì đó lấp đi trẻ sẽ lấy lại cảm xúc rất nhanh. Tuy nhiên không phải trong long trẻ không có những tổn thương. Nếu cha mẹ lặp lại điều đó nhiều lần trẻ sẽ thốt lên rằng bố mẹ chỉ nói chứ có bao giờ làm đâu. Rồi 1 lần nữa cha mẹ lại gieo vào đầu trẻ ý nghĩ hay tin cha mẹ 1 lần nữa thôi, lần này cha mẹ chắc chắn sẽ thực hiện, nhưng kết quả là vẫn thất hứa. Dần dần trẻ không chỉ mất niềm tin vào cha mẹ còn ngờ vực những người xung quanh. Điều đó làm trẻ bị tổn thương và mất đi vẻ hồn nhiên, vô tư của trẻ.
Không chỉ vậy những gì cha mẹ làm ảnh hưởng tới trẻ rất nhiều, chúng sẽ học theo tính xấu đó của cha mẹ và cũng thất hứa với người khác, coi lời hứa như gió thoảng, thậm chí trẻ sẽ hứa một cách tùy tiện mà không cần suy xét mình có thực hiện được điều đó không. Và đơn giản chúng nghĩ rằng lời hứa chi là lời hứa, không thực hiện cũng chẳng ảnh hưởng đến ai và cũng chẳng ảnh hưởng gì cả. Rồi 1 lần lại 2 lần, cứ như vậy trẻ hình thành thói quen và tính cách của mình.
Đồng thời nếu cha mẹ dung túng, bỏ qua cho việc thất hứa của con thì chúng sẽ vô tư tái phạm. Nhưng nếu cha mẹ nói rằng “cha mẹ phê bình con vì hứa nhưng không thực hiện được, tuy nhiên lần đầu mắc lỗi cha mẹ tha thứ, nếu tái phạm chắc chắn có hình phạt thích đáng”. Nếu cha mẹ nói vậy chắc chắn con sẽ nghiêm túc hơn, có sự cân nhắc hơn khi hứa. Bởi trẻ hành động và nói thường quan sát và để ý đến thái độ, hành vi của người khác để điều chỉnh mình.
Muốn dạy con tôn trọng lời hứa trước hết cha mẹ phải làm gương cho trẻ. Không phải chỉ nói suông rằng cha mẹ rất tôn trọng lời hứa và tôn trọng người khác mà cha mẹ cần chứng minh ngay cho con thấy rằng cha mẹ là người biết giữ lời hứa. Trẻ có niềm tin vào cha mẹ, tự khắc sẽ có niềm tin vào người khác, và hơn cả là chúng học được rằng niềm tin và tôn trọng lời hứa là điều rất quan trọng.
2. Giảm động lực phấn đấu của trẻ và khiến cha mẹ gặp khó khăn trong việc dạy con
Các cha mẹ thường chỉ hứa khi yêu cầu trẻ làm việc gì đó giống như một hình thức trao thưởng, để khích lệ, động viên trẻ cố gắng thực hiện để đạt được điều chúng thích (chính là điều cha mẹ chúng hứa). Tuy nhiên phần thưởng (lời hứa) đó không phải lúc nào cũng được thực hiện. Khi chúng thực hiện được điều cha mẹ muốn rồi cha mẹ lại chẳng nhớ tới điều mình đã hứa nữa. Cứ như vậy thì chắc chắn rằng chúng sẽ chẳng muốn thực hiện hay muốn nghe tới phần thưởng nữa, vì chúng biết chắc rằng ra cha mẹ chẳng thực hiện nữa. Vậy sao chúng phải cố gắng, sao phải hoàn thành. Từ đó chúng sẽ chẳng cỏn động lực để phấn đấu nữa.
Không chỉ vậy việc dạy dỗ trẻ của cha mẹ cũng sẽ trở nên khó khăn hơn nhiều vì chúng sẽ chẳng tin những gì cha mẹ nói và cũng chẳng có sự quyết tâm để thực hiện công việc nữa. Những lời răn đe hay dọa nạt với trẻ sẽ không còn quá đáng sợ nữa vì cha mẹ đã mất niềm tin ở trẻ. Những gì cha mẹ dạy trẻ và cho rằng đó là hay, là tốt, trẻ cũng không có niềm tin để nghe theo và thực hiện. Vậy việc giáo dục con sẽ trở nên khó khăn hơn nhiều.
Cha mẹ không nên tùy tiện hứa với con điều gì, nếu đã hứa thì phải chắc chắn thực hiện. Đừng vì những mục đích trước mắt mà hứa liều nhưng rồi không thực hiện. Nếu vì lý do gì mà cha mẹ không thể thực hiện được, cũng xin các cha mẹ hãy tôn trọng con mình, hãy xin lỗi con ngay. Đừng nghĩ rằng việc xin lỗi trẻ là hạ thấp vị thế của người làm cha làm mẹ. Thực chất cha mẹ cũng giống con cái, cũng là con người, khi mình chịu trách nhiệm với chính bản thân mình thì mình sẽ có trách nhiệm với người khác. Đây chính là cách dạy con tôn trọng lời hứa, dạy con làm người một cách tốt nhất.
Trả lời