Dạy con cách quản lý tài chính
Nhiều cha mẹ có suy nghĩ rằng khi nào trẻ lớn mới cho học cách tiêu tiền, sợ con biết tiêu tiền từ nhỏ sẽ sinh hư. Vấn đề này đã được rất nhiều ý kiến trái chiều đưa ra, việc dạy con cách quản lý và chi tiêu tài chính thì chẳng khác gì vẽ đường cho hươu chạy, tuy nhiên vẽ đường cho hươu biết sớm còn hơn là để con đi lạc đường mới điều chỉnh. Theo quan điểm cá nhân của tôi, việc dạy con cách quản lý và chi tiêu tài chính là việc vô cùng cần thiết. Hãy tham khảo một số cách sau đây để trẻ được làm quen dần với tài chính.
Xem Thêm: Nhận diện và phòng tránh việc chậm nói ở trẻ
1. Tạo cơ hội cho trẻ được giữ tiền
Một trong những cách tốt nhất để tạo ra nền tảng về tài chính cho con bạn là trao cho trẻ cơ hội để quản lý tiền khi còn nhỏ. Trả con tiền công để giúp con hiểu được giá trị của đồng tiền và giá trị của sức lao động. Cha mẹ đừng quá lo lắng về việc trẻ sẽ tiêu tiền thiếu suy nghĩ trong thời gian đầu. Kể cả việc tiêu tiền vào những món đồ không có giá trị cũng sẽ dạy trẻ một bài học về quyết định của mình. Thời điểm để dạy con quản lý tài chính phù hợp có thể bắt đầu từ 3 tuổi khi con nhận diện được các vấn đề của bản thân con. Khi bắt đầu dạy cho bé quản lý tài chính cha mẹ hãy cho con phân biệt và nhận diện mệnh giá của các tờ tiền để con ghi nhớ, cha mẹ hãy giúp con hiểu được mệnh giá nào to nhất và mệnh giá tờ nào thấp nhất.
2. Khuyến khích trẻ tiết kiệm
Cha mẹ hãy khuyến khích cho trẻ học cách tiết kiệm tiền từ những tình huống thực tế của bản thân con. Ví dụ trong tình huống con đòi mua đồ chơi/ món đồ bé thích hãy cùng bé phân tích vấn đề và nhận diện nên – không nên trong các tình huống, thay vì con lấy tiền mua đồ chơi thì con lấy tiền để làm gì?
– Những công việc hàng ngày bạn nhờ trẻ giúp đỡ, bạn có thể trả tiền công cho trẻ. Đây là cách để khuyến khích trẻ làm việc, quý trọng đồng tiền và sức lao động. Cũng là cách giúp trẻ có niềm phấn khởi, hứng thú mỗi khi bạn giao công việc cho trẻ. Tuy nhiên bạn cần phải khéo léo dạy trẻ biết giúp đỡ bố mẹ cũng là bổn phận, trách nhiệm của con. Tránh việc con hiểu nhầm giữa trách nhiệm của bản thân con và công việc của bố mẹ.Và cha mẹ nên ủng hộ khi trẻ quyết định dùng tiền tiết kiệm của mình mua một món đồ nào đó có giá trị. Cha mẹ nên là người cố vấn sáng suốt cho trẻ và giúp trẻ hiểu rõ giá trị món đồ mà trẻ muốn mua đó được đổi bằng công sức lao động của trẻ như thế nào để trẻ nhận biết và quý trọng đồng tiền, món đồ và công sức lao động. Từ đó, trẻ sẽ nỗ lực, phấn đấu hàng ngày để tạo ra những giá trị lớn hơn.
3. Khuyến khích con nên nuôi heo đất
Đa số các bé khi nhận được tiền mừng tuổi, hoặc được thưởng tiền đều nghĩ đến việc mình sẽ tiêu như thế nào? Bé sẽ nghĩ ngay đến việc mua 1 bộ đồ chơi hoặc 1 món đồ bé thích. Cha mẹ hãy định hướng cho con bằng việc tạo thói quen cho con nuôi heo đất, cứ mỗi khi thấy bé có tiền cha mẹ định hướng con bỏ tiền vào heo đất để sử dụng cho mục đích tốt hơn.
Cha mẹ hướng dẫn con chia số tiền tiết kiệm được bằng việc đưa ra các đầu mục con cần đầu tư rõ ràng bằng 4 khoản chi tiêu: Tiền dùng tiết kiệm, tiền dùng để mua đồ dùng cá nhân, tiền dùng để thiện nguyện, tiền dùng để mua đồ dùng học tập. Khi có một kế hoạch chi tiêu rõ ràng, cha mẹ và con sẽ định hướng được tài chính của mình.
4. Khuyến khích trẻ tìm một việc làm thêm phù hợp với khả năng của con
Khuyến khích con tự sáng tạo một sản phẩm handmade, vẽ một bức tranh, nhặt vỏ chai nhựa, lon bia để trẻ kiếm tiền đó cũng là những bài học thực tế dành cho trẻ. Khi trẻ làm thêm, trẻ sẽ hình dung được cách kiếm tiền như thế nào, trẻ sẽ biết quý trọng sức lao động, quý trọng đồng tiền, ý thực được về thời gian, trí tuệ, và tính kỷ luật trong lao động. Từ đó giúp trẻ có thêm nhiều kỹ năng sống và tự lập hơn sau này.
Tuy nhiên bạn cũng cần nhắc nhở con việc học mới là công việc chính mà trẻ cần phải hoàn thành. Ý nghĩa và giá trị của học tập sẽ giúp ích gì cho trẻ. Để tránh việc trẻ chỉ tập trung vào đồng tiền mà xao nhãng việc học, cha mẹ cần định hướng cho con cân đối hơn về thời gian để trẻ thấy được tầm quan trọng của việc học.
Trả lời