Phương pháp dạy trẻ cách sử dụng điện an toàn
Trong cuộc sống hiện đại, điện là nguồn năng lượng rất hữu ích và không thể thiếu được với mỗi gia đình. Tuy nhiên, khi dùng thiết bị điện không phải ai cũng nắm bắt được những kiến thức cơ bản để sử dụng điện đúng cách. Các cha mẹ cần chú ý đặc biệt đến việc dạy trẻ cách sử dụng điện an toàn, để có thể phòng tránh và ngăn ngừa kịp thời những rủi ro từ điện có thể xảy ra trong gia đình mình. Vì bên cạnh lợi ích phục vụ đắc lực cho các sinh hoạt của con người, điện cũng ẩn chứa nhiều mối nguy hiểm, thậm chí gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng cho các con.
Thứ nhất: Dạy trẻ nhận biết những giới hạn cần thiết để đảm bảo an toàn
Khi con lên 1 tuổi, dù đã học được rất nhiều thứ nhưng trẻ vẫn chưa thể hiểu được diều gì có thể và không thể. Chính vì vậy có lúc các con sẽ làm nhiều điều khiến cha mẹ ngạc nhiên thực sự, ví dụ chúng có thể dùng tay chạm trực tiếp hoặc cầm đồ chơi chọc vào ổ điện do trẻ chưa hiểu điện không phải là đồ chơi, không được tự ý sử dụng khi bố mẹ chưa cho phép. Vì vậy để giúp con phòng tránh các nguy cơ tiềm ẩn với thiết bị điện, cha mẹ cần giải thích cho con bằng ngôn ngữ đơn giản giúp con hiểu điện có thể làm tổn thương khi con sử dụng sai cách. Bên cạnh đó, cha mẹ vui lòng định hướng cho con lựa chọn những món đồ chơi thích hợp để kích thích các giác quan, tăng cường khả năng phối hợp giữa tay và mắt như:
– Lắp ráp các loại hộp có diện tích vừa vặn hoặc xếp hình theo các dạng hình giống nhau
– Xâu các hạt thành chuỗi hoặc chồng các vòng lên trụ
– Chơi với quả bóng mềm, dùng giấy và bút màu sáp để vẽ
– Sử dụng các loại sách làm băng giấy bồi dày, đóng chắc chắn, nội dung đơn giản để con tự lật xem một mình
– Những đồ chơi lúc đi tắm trẻ có thể chọn bình nhỏ chế được nước hoặc một số đồ chơi lên dây cót để thả xuống nước vẫn chạy được. Đồng thời, cha mẹ cũng rèn luyện ngay từ nhỏ cho con nguyên tắc không sử dụng bất cứ thiết bị điện nào khi chưa hỏi ý kiến, đặc biệt không dùng đồ điện bên cạnh khu vực ẩm ướt, không cố gắng vớt lấy các vật dụng bằng điện rơi vào bồn rửa hoặc bồn tắm chứa nước
Thứ hai: Dạy trẻ cách sử dụng ổ cắm, phích cắm điện an toàn
Nhiều cha mẹ cho rằng cần cho con tránh xa hoàn toàn các ổ cắm, phích cắm điện để trẻ không gặp các tai nạn điện trong gia đình. Tuy nhiên nếu chỉ phòng tránh cho con mà không dạy chúng cách sử dụng điện an toàn khi trẻ đã lớn, cha mẹ sẽ khó lòng giúp con nhận ra và biết cách xử lí mối nguy hiểm tiềm ẩn từ các thiết bị điện trong nhà. Với bản tính tò mò vô hạn của trẻ sẽ có lúc con tự ý sử dụng các ổ điện, phích cắm khi không có cha mẹ ở bên, do đó cha mẹ hãy dạy con biết cẩn thận khi sử dụng như:
- Giữ tay khô hoàn toàn khi cầm phích cắm.
- Không nắm dây của phích điện để rút ra khỏi ổ cắm như vậy sẽ dễ làm đứt dây điện và làm hỏng đầu phích cắm điện.
- Không cầm trực tiếp vào sợi dây điện mà sử dụng ngón tay cầm vào & rút phích cắm dứt khoát ra khỏi ổ cắm để tránh phát sinh tia lửa điện, giảm nguy cơ cháy nổ.
- Không dùng nước để dập tắt lửa khi thấy ổ cắm bị chập cháy, mà cần gọi người lớn xử lý
Thứ ba: Rèn luyện thường xuyên để trẻ có kỹ năng sử dụng điện an toàn
Cha mẹ nào cũng mong muốn con ghi nhớ và biết cách sử dụng điện an toàn, tuy nhiên để giúp con thành thục, có kĩ năng an toàn khi dùng các thiết bị điện cần phải có khoảng thời gian nhất định chứ không thể một sớm một chiều. Vậy làm sao để con nhớ được tất cả nội dung, nguyên tắc để đảm bảo an toàn cho bản thân? Các cha mẹ hãy cố gắng cùng con rèn luyện, thực hành thường xuyên:
- Cha mẹ lựa chọn các đồ dùng điện phù hợp với độ tuổi và dạy con cách thức sử dụng với từng thiết điện cụ thể trong gia đình (quạt điện, bóng đèn, ti vi…). Sau khi con quan sát cha mẹ làm mẫu, nắm được các bước, các nguyên tắc cơ bản, cha mẹ cho con trực tiếp thực hành để thuần thục kĩ năng và đảm bảo an toàn khi không có người lớn bên cạnh.
- Thay vì đưa ra một danh sách dài những việc cần làm, yêu cầu con ghi nhớ, cha mẹ nên thường xuyên cùng con đặt ra các tình huống liên quan đến thiết bị điện cho con đóng vai và tự xử lý tình huống, giúp con nhận điện và điều chỉnh cách giải quyết tình huống nếu chưa thấy phù hợp. Có như vậy trẻ sẽ ghi nhớ bền và có thể ứng dụng khi gặp tình huống tương tự trong thực tế.
Những năm tháng đầu đời là thời điểm để con học hỏi, thử nghiệm mọi điều để trang bị cho bản thân các kĩ năng cơ bản nhất. Hi vọng một số nội dung được chia sẻ trên đây sẽ giúp cha mẹ đồng hành hiệu quả cùng con yêu, giúp con có được kĩ năng bảo vệ bản thân an toàn nhất các cha mẹ nhé.
Trả lời